AKIHISA HIRATA
Kiến trúc sư / Giáo sư tại Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
1971: Sinh ra tại Osaka, Nhật Bản
1997: Tốt nghiệp Cao học Trường Đại học Kyoto, Khoa nghiên cứu Kỹ thuật.
2005: Thành lập văn phòng thiết kế kiến trúc Akihisa Hirata sau khi làm việc tại văn phòng kiến trúc Toyo Ito & Associates.
Hiện tại, ông đang là giáo sư tại Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản.
CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
Masuya (2006)
Sarugaku (2008)
Bloomberg Pavilion (2011)
Art Museum & Library, Ota (Bảo tàng và thư viện thành phố Oita) (2016)
Tree-ness House (Ngôi nhà cây cối) (2017) v.v…
MỘT SỐ CÔNG TRÌNH GẦN ĐÂY
Global Bowl (Chiếc tô toàn cầu)
Đây là dự án pavilion (triển lãm ngoài trời) ở Tokyo, phục vụ Thế vận hội Olympics 2021. Chín nghệ sĩ và kiến trúc sư đã được tập hợp, mỗi người trong số họ tự do quyết định địa điểm và thiết kế các pavilion của mình.
Chúng tôi đã cố gắng tạo ra một pavilion có thể thu hút những người đến tham quan Thế vận hội Olympic, dẫn họ vào trong một công trình có hình dạng chiếc bát. Pavilion này không chỉ là nơi để xem, để cảm nhận, mà nó là một thể kiến trúc sống động với chính những người bước tham gia bên trong pavilion.
Khuôn viên của Đại học Liên Hợp Quốc là nơi bạn có thể cảm nhận được khoảng trống khổng lồ của thành phố, được tạo ra từ không gian mở công cộng lân cận và từ con phố Aoyama uốn lượn. Pavilion được đặt ở trung tâm của khoảng không này, như thể nó là một công cụ quan sát.
Pavilon với nhiều lỗ hổng lớn cho phép mọi người di chuyển xuyên qua, được dựng bằng cách sử dụng các mảng hình học xoắn, giúp đồng thời nới lỏng và thắt chặt ranh giới giữa thế giới bên trong và bên ngoài. Nói cách khác, nó không chỉ định hình một khu vực khép kín nhỏ trong thành phố mà còn kết nối với cả không gian bên ngoài.
Công trình kiến trúc này được tạo ra bằng cách lắp ghép những miếng gỗ được xử lý bằng công nghệ cắt ba chiều mới nhất của Nhật Bản, mang tới một cảm giác mạnh mẽ về vật liệu nhưng đầy sự tinh xảo của một tác phẩm thủ công.
Tree-ness House (Ngôi nhà cây xanh)
Tòa nhà khép kín này bao gồm một phòng trưng bày và một ngôi nhà, nằm ở Otsuka, Tokyo.
Cây xanh là một sinh vật được tích hợp hữu cơ thông qua sự kết hợp của các bộ phận, mỗi bộ phận lại có các đặc điểm khác nhau, như thân, cành và lá. Với ý tưởng này, tôi đã cố gắng thiết kế một tòa nhà với kiến trúc hữu cơ giống như một cái cây bằng cách kết hợp nhiều bộ phận khác nhau như thảm cây xanh, những khoảng tường mở xếp nếp và những hộp bê tông, tất cả tạo thành một cấu trúc nhiều lớp. Bằng cách xếp chồng các hộp bê tông ba chiều, tôi đã tạo ra một cấu trúc chính với một hợp thể những khoảng trống. Và cách sử dụng các cửa sổ gấp nếp tạo ra sự đan trộn không gian bên trong và bên ngoài, đồng thời khiến cho không gian ấy xen lẫn với hình bóng con người. Tiếp đó, bằng cách thêm cây xanh vào những phần gấp nếp, tôi muốn tạo ra một tổng thể hữu cơ, giống như một cái cây đang hít thở giữa môi trường xung quanh. Tôi thiết kế những không gian thư giãn, chẳng hạn phòng ngủ hoặc phòng trưng bày bên trong khối hộp, còn bên ngoài là ban công và khu vườn, cùng với đó là phòng khách và phòng ăn bao bọc bằng kính ở một số khu vực. Không chỉ phần nội thất, tôi bố trí toàn bộ cấu trúc ngôi nhà thành không gian ba chiều, bao gồm cả khu vườn và phần ngoại thất giống như con đường. Tổng thể lại, tôi đã cố gắng tạo ra một ngôi nhà mang hơi hướng của chủ nghĩa vị lai, ở đó phần không gian nội thất và ngoại thất dường như bị đảo ngược và hòa lẫn với nhau, đồng thời tạo ra một tòa nhà hoang sơ gợi bản năng tự nhiên của chính chúng ta.
Art Museum & Library: Ota
Công trình giao lưu văn hóa này được xây dựng trước nhà ga Ota ở tỉnh Gunma. Mục đích của dự án là tạo ra điểm nhấn nhằm thu hút dòng người tới phía trước nhà ga - nơi đang dần trở nên vắng vẻ. Dự án còn mong muốn tạo ra sự gắn kết giữa thị trấn với kiến trúc bên trong tòa nhà, khuyến khích mọi người ghé thăm. Đây cũng là công trình được xây dựng để trở thành địa điểm biểu tượng chỉ có tại Ota. Lấy cảm hứng từ hình ảnh cánh máy bay và cánh quạt, gợi nhớ đến Nakajima - công ty sản xuất máy bay đã từng đặt ở thành phố này, tôi đã cố gắng tạo ra một trạng thái ở đó tòa nhà sẽ đóng vai trò là điểm kết nối cho nhiều dòng chảy cuộc sống. Cụ thể hơn, tôi đã đề xuất một cấu trúc có mái dốc uốn lượn, bao bọc quanh năm khối hộp bê tông bằng một vành thép. Điều này cho phép mọi người di chuyển đến tất cả các tầng một cách tự nhiên như thể đang đi bộ trong thành phố. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng tạo nên một kiến trúc cộng sinh ba chiều của các địa điểm với nhiều đặc tính đa dạng, cho phép mọi người ở nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau có thể khám phá không gian của chính họ. Những kệ sách và các tác phẩm nghệ thuật có thể được nhìn thấy qua cửa sổ, thu hút mọi người muốn vào bên trong. Và giống như cách một viện bảo tàng hay thư viện gợi mở không khí bên trong đối với dòng người đi phía ngoài thông qua những cảnh tượng có thể thấy qua cửa sổ, tòa nhà mang một dòng chuyển động của con người. Như thế, tòa nhà được thiết kế để đan kết số lượng lớn người dân và nhân viên địa phương, tựa như một bông hoa được sinh ra ngay trước nhà ga.
Taipei Roofs (Mái nhà Đài Bắc)
Khu phức hợp nhà ở 12 tầng này được xây dựng ở Đài Bắc.
Tôi muốn thiết kế một tòa chung cư phù hợp với người Đài Loan - những người đã nghĩ ra nhiều cách sử dụng khu vực trung gian trong cuộc sống hàng ngày để ứng phó với khí hậu nóng ẩm của đất nước - đồng thời tôi cũng mong muốn công trình mang hơi hướng thế kỷ 21. Vì vậy, thay vì một sơ đồ mặt bằng tiêu chuẩn, tôi đã chọn thiết kế lùi vào, trong khi tìm giải pháp phù hợp với các quy định của tòa nhà, để có thể tạo ra một ban công lớn cho mỗi căn hộ. Các ban công đều được bao phủ bởi một phần mái nhô ra và cây cối, tạo ra một khu vực trung gian thoải mái ba chiều trên bề mặt của tòa nhà. Kết cấu khung cứng với lưới sáu mét được bao phủ bởi hệ thống khung mái bằng lưới ba mét. Các mái nhà có cao độ đồng đều và có thể biến đổi các góc hiện khác nhau bằng cách thay đổi hướng nghiêng. Sự phân bổ của độ dốc có thể được sử dụng để chia đôi dòng chảy của nước mưa hoặc để tạo thành một mạng lưới, đồng thời mái nhà, máng xối và các cột dọc mỏng tạo ra nhịp điệu trên bề mặt của tòa nhà. Gió tự nhiên thổi qua thành phố được phân tán nhẹ nhàng trên toàn bộ bề mặt tòa nhà, khiến cho các ban công trở nên uyển chuyển thoải mái hơn, đồng thời giảm thiểu hiệu ứng ""gió nhà cao tầng"". Công trình này chính là nguyên mẫu cho một tòa nhà cao tầng phù hợp với khu vực châu Á của thế kỷ 21, nơi dòng chảy của nước và không khí đan quyện vào nhau.
Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn dân gian Thành phố Yatsushiro
Thành phố Yatsushiro nằm ở phía tây của Nhật Bản, thuộc khu vực Kyushu, tỉnh Kumamoto.
Đây là công trình kiến trúc trưng bày và lưu truyền nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như Lễ hội Yatsushiro Myoken mà người dân Yatsushiro tự hào. Đặc điểm của công trình này là mái nhà bằng gỗ thiết kế uốn lượn phù hợp với sự sinh động, náo nhiệt của các lễ hội. Phần lớn các mặt gỗ ở đây đều được làm và xử lý tại Yatsushiro. Mái cong ba chiều bằng gỗ đan xen kẽ được thiết kế bằng công nghệ 3D mới nhất đồng thời gợi nhắc đến các khung gỗ của ""Kasahoko"" trong Lễ hội Myoken và được xây dựng bởi kỹ thuật xây dựng của người Yatsushiro. Dưới mái nhà có chiều cao khổng lồ, bạn không chỉ có thể lắp ráp ""Kasahoko"" mà còn có thể thực hiện các hoạt động dân sinh khác như họp chợ. Ngoài ra, khu triển lãm - tòa nhà lưu trữ và tòa nhà hội nghị được ngăn cách bằng một không gian giống như một ""lối đi” giữa các mái nhà đối diện nhau. Chúng tôi mong muốn thiết kế lối đi trở nên sống động kết nối nhiều môi trường xung quanh, dựa trên truyền thống lễ hội đi bộ trên các con phố của toàn thành phố. Chúng tôi đã thiết kế phần quy hoạch và phân khu, tham khảo ý kiến của người dân nơi đây - những người cân nhắc đến tính bền vững của công trình còn dài lâu hơn một đời người. Chúng tôi hy vọng rằng địa điểm này sẽ trở nên thân thuộc với người dân và cả các khách du lịch ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em, nơi mà truyền thống sẽ giao thoa với tương lai.
GIẢI THƯỞNG
Giải thưởng Gương mặt mới của JIA (Hội Kiến trúc sư Nhật Bản) lần thứ 19 (2008)
Giải Sư Tử Vàng của Triển lãm Kiến trúc Quốc tế Venice Biennale lần thứ 13 (2012, đồng cộng tác với Toyo Ito, Naoya Hatakeyama và 2 người khác)
Giải thưởng LANXESS Colored Concrete (2015)
Giải thưởng Murano Togo (2018)
Giải thưởng BCS (2018)
Giải thưởng Hiệp Hội Kiến trúc Nhật Bản (2022), v.v…
XUẤT BẢN SÁCH
Discovering NEW (Nhà xuất bản TOTO) v.v…
CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC
Thực hiện các buổi diễn thuyết tại Bauhaus (Đức), Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Tổ chức Kiến trúc (Vương quốc Anh), v.v.
Tổ chức nhiều buổi triển lãm cá nhân ở Tokyo, London, Bỉ, v.v., và đồng tổ chức triển lãm Japanese Constellation (Triển lãm Chòm sao Nhật Bản) (2016) tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại.